Hiện nay, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang là xu hướng tất yếu khách quan trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử” (1).
Chi tiết - Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang
Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Người dân xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất. Ảnh nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang
Kế hoạch triển khai và những kết quả khả quan
Triển khai thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và đạt được những kết quả tích cực. Ngày 26/5/2022, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: đối với đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM: phấn đấu 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, 01 đơn vị huyện đạt NTM nâng cao; đối với cấp xã: thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh lên 42/51 xã, đạt 82,35%; phấn đấu thêm 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số toàn tỉnh lên 17 xã (đạt 40,48%); xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu có 05 xã, đạt tỷ lệ 11,90%; các xã đều đạt từ 16 tiêu chí NTM trở lên (2).
Để thực hiện được các mục tiêu đó, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với từng vùng, miền và những lợi thế của các địa phương trong tỉnh. Một trong những minh chứng cho lợi ích và hiệu quả chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực nông nghiệp là ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Theo đó, từ cuối năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” nhằm giúp nông dân có điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Với ứng dụng này, các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm...
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có trên 2.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với khoảng 320 sản phẩm nông sản tham gia trên sàn giao dịch, góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghệ không gian và dưới nước (Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai thí điểm công nghệ Autotimelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loại nông sản ở Hậu Giang (đã thực hiện được 5 điểm trên địa bàn tỉnh). Công nghệ Autotimelapse trong nông nghiệp là bộ giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh, thông qua các đoạn video ngắn thể hiện tất cả giai đoạn phát triển của cây trồng và vật nuôi, không chỉ báo cáo hình ảnh quá trình nuôi trồng, mà còn hiển thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi của môi trường.
Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai một số mô hình như: mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với nội dung thực hiện hỗ trợ motor, hệ thống điều khiển khoảng 500ha. Mô hình xã NTM thông minh tại xã Hỏa Tiến thuộc thành phố Vị Thanh với nội dung thực hiện xây dựng hệ thống trạm quan trắc đo chất lượng môi trường thông minh; xây dựng hệ thống trạm bơm tưới thông minh 4.0 phục vụ phòng, chống ngập lụt và hạn hán; xây dựng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước ứng dụng công nghệ 4.0 cho cây khóm; lập bản đồ số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng Trang thông tin điện tử của xã; chuyển đổi số truyền thanh; trang bị phòng học thông minh; xây dựng hầm ủ rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ góp phần làm sạch môi trường; lập bản đồ số đường giao thông và quy hoạch xây dựng; đầu tư thay thế hệ thống đèn chiếu sáng hiện hữu bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao kết hợp xây dựng trung tâm điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng và quản lý vận hành - duy tu bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị của sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn; đảm bảo chất lượng môi trường nông thôn, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, ứng dụng WebGIS xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp trực tuyến. Trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm OCOP, xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi... Bên cạnh đó, triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” đến toàn bộ hội viên trong tỉnh nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số. Với sự chủ động học hỏi cái mới, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình sản xuất, nông dân Hậu Giang từng bước bắt nhịp với chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ với kỳ vọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông sản, từ đó giúp địa phương đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang cũng gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh. Mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị; việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và xây dựng NTM còn hạn chế, manh mún và mang tính tự phát. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn thấp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, đất đai còn thiếu. Nhiều vùng trong tỉnh còn khó khăn, chưa bảo đảm tiếp cận internet, chưa có nhiều thiết bị điện thoại thông minh. Trang thiết bị cho cán bộ, công chức xã còn hạn chế, cấu hình kỹ thuật thấp, lạc hậu, thời gian sử dụng quá lâu mà chưa được thay thế, nâng cấp. Hệ thống logistic cho nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, thiếu kết cấu hạ tầng mềm cho ứng dụng kỹ thuật số, thiếu các trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp; nhiều cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương chưa được số hóa hoặc đã số hóa nhưng còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các cấp, các ngành.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thời gian tới các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hậu Giang cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để triển khai thực hiện; hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp của tỉnh Hậu Giang; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình.
Hai là, đầu tư phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, trọng tâm là nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, công chức toàn ngành Nông nghiệp, cán bộ Chương trình xây dựng NTM và cộng đồng dân cư; hoàn thiện chính sách và thể chế phát triển hạ tầng số và dữ liệu số. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, bởi vì liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông. Trên cơ sở này, nền tảng dữ liệu lớn (big data) được hình thành để tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững./.
Nguồn sưu tầm https://tcnn.vn/news/detail/62982/Tinh-Hau-Giang-day-manh-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi.html