Giới thiệu tổng quan về vị trí và đặc điểm tự nhiên (địa hình, đất đai) của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang
Chi tiết - Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang
Vị trí và đặc điểm tự nhiên
1. Vị trí địa lý và mối quan hệ vùng:
Khu NNUDCNC Hậu Giang gồm địa phận 04 xã Vĩnh Viễn (656,0 ha), Vĩnh Viễn A (1.115,0 ha), Lương Tâm (1.324,0 ha), Lương Nghĩa (2.105,0 ha) thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Khu NNUDCNC Hậu Giang nằm ở vị trí tiếp giáp của 3 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu, là trung tâm về mặt vị trí địa lý của 5 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Tp Cần Thơ, thuộc Bán đảo Cà Mau.
Giao thông đường bộ kết nối với bên ngoài của Khu là tuyến đường ĐT 930 nằm ở phía bắc và ĐT 930B nằm ở phía Nam. Từ hai tuyến này sẽ kết nối với QL 61 để ra QL 1A về Cần Thơ, Sóc Trăng, Tp Vị Thanh và Tp Rạch Giá về phía Bắc-Tây Bắc và kết nối với QL 60 và tuyến quản lộ Phụng Hiệp đi Tp Cà Mau và Bạc Liêu về phía Nam-Đông Nam.
Giao thông đường thủy có sông Nước Trong, tải trọng cho tàu 200 tấn. Đây là nhánh thượng nguồn sông Cái Lớn xuyên qua Khu, được xếp cấp IV nằm trên tuyến vận tải thủy Quốc gia của vùng ĐBSCL (kênh Trắc Băng – kênh Xà No – sông Hậu và sông Cái lớn ra biển Tây cũng như các tuyến kênh khác kết nối trong vùng Bán đảo Cà Mau.
Đường hàng không, cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 70 km mất khoảng hơn 1 giờ đi bằng ô tô.
2. Điều kiện tự nhiên:
2.1. Địa hình và Đất đai:
Địa hình:
Vùng dự án là nơi có địa hình thấp trũng thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Cao trình phổ biến từ 0,1-0,5 m, phần lớn bị ngập úng khi triều cường và mưa lớn. Cao trình này về cơ bản phù hợp cho sản xuất lúa và thủy sản nếu được đầu tư hệ thống thủy lợi, cải tạo đồng ruộng.
Đất đai:
Trên cơ sở kế thừa các tài liệu đất hiện có, chỉnh lý, bổ sung trên bản đồ 1/5.000, vùng dự án có 3 nhóm đất chính (được chia thành 11 loại), trong đó đất phèn có diện tích lớn nhất: 2.680 ha (chiếm 51,55%), đất líp: 1.173 ha (chiếm 22,57%) và đất mặn: 803 ha (chiếm 15,44%).
Lý hóa tính đất:
Đất có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét cao (58%-65%), khả năng giữ nước tốt, riêng tầng đất mặt có hàm lượng hữu cơ cao.
Đất phèn, mặn nên pHKCl giao động từ 5,5-6,5; tỷ lệ chất hữu cơ trung bình: 2,5% - 3,0%, đất giàu hữu cơ (tỷ lệ mùn > 3,0%), đạm tổng số khá (> 0,15%), nghèo lân (< 0,01%) và Kali tổng số ở mức trung bình khá (0,3% - 0,6%).
2.2. Khí hậu
Vùng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới với các giá trị trung bình của từng yếu tố khí hậu như sau:
- Nhiệt độ cao đều quanh năm (bình quân nhiệt độ 26,7 oC - 27,3 oC);
- Số giờ nắng trong năm ở mức khá cao (bình quân 2.382 giờ/năm);
- Mưa phân thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa thực sự bắt đầu thường vào đầu tháng 5, kết thúc mùa mưa thực sự vào giữa tháng 11 hàng năm. Mùa khô thực sự bắt đầu từ đầu tháng 12 và kết thúc mùa khô thực sự vào đầu tháng 4.
3. Nguồn nước và chế độ thủy văn:
3.1. Nguồn nước:
- Ngoài lượng mưa bình quân 2.300 - 2.500 mm/năm, kéo dài 7 tháng cung cấp nước cho SXNN, lượng nước mặt khai thác sử dụng cho SXNN, nuôi thủy sản của Khu NNUDCNC được lấy từ sông Nước Trong, sông Cái Lớn, kênh Mười Thước, kênh Tô Ma, thời gian cuối tháng 3 và tháng 4 nước sông kênh bị nhiễm mặn 2,0 - 4,0 g/l tùy theo vị trí nguồn nước, trong đó sông Nước Trong thuộc xã Vĩnh Viễn A bị ảnh hưởng mặn sớm (5/3 - 15/3), khu vực kênh 13 xã Vĩnh Viễn hoặc phần phía Đông xã Lương Tâm chỉ bị nhiễm 2,0 g/l trong thời gian chỉ kéo dài vài giờ trong ngày giữa tháng 4.
- Nước ngầm: Khảo sát tại hơn 100 giếng khoan khai thác nước ngầm tại nông hộ và các trạm cấp nước tập trung cho thấy: độ sâu xuất hiện nước ngầm để khai thác từ 80,0 m - 120,0 m, chất lượng nước thường nhiễm mặn nên sử dụng cần lắng lọc bằng thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sinh hoạt.